; THUYẾT TÂM LÝ: NGÔN NGỮ VÀ NHẬN THỨC Ở TRẺ KHIẾM THÍNH – Octaidientuab
Menu
THUYẾT TÂM LÝ: NGÔN NGỮ VÀ NHẬN THỨC Ở TRẺ KHIẾM THÍNH

THUYẾT TÂM LÝ: NGÔN NGỮ VÀ NHẬN THỨC Ở TRẺ KHIẾM THÍNH

Nếu nói rằng, một đứa trẻ có lý thuyết tâm lý, thì điều này có nghĩa là gì?

Khi trẻ nhỏ trưởng thành, trẻ sẽ tự phát triển sự hiểu biết về bản thân và người khác thông qua các hành động như suy nghĩ, biết, cảm nhận và tin tưởng. Trẻ sẽ bắt đầu nhận thức được rằng những gì mình suy nghĩ hay tin tưởng sẽ không giống với người khác. Trẻ cũng sẽ biết rằng những hành động của mình thường được dẫn dắt bởi kiến thức và niềm tin.

Chiếc bánh của Simon

Để có thể hiểu được Lý thuyết tâm lý, thì câu chuyện sau đây sẽ là ví dụ minh họa rõ ràng nhất. Câu chuyện kể về việc một cậu bé tên Simon đang làm bánh cùng với bố của mình. Nhưng Simon lại muốn ra ngoài chơi và sau đó mới ăn bánh. Vậy nên cậu để chiếc bánh vào tủ và đi ra ngoài. Bố của Simon vì sợ lớp băng ở trên chiếc bánh sẽ bị tan chảy nên đã cất nó vào tủ lạnh. Sau đó ông rời khỏi nhà để đi mua sắm. Một lúc sau, Simon về nhà và định ăn chiếc bánh. Câu hỏi là, cậu ấy sẽ tìm chiếc bánh ở đâu?

Chắc bạn sẽ nghĩ rằng Simon sẽ tìm chiếc bánh ở trong tủ, vì cậu đã cất nó vào đó và không biết rằng bố cậu đã đem chiếc bánh cất vào tủ lạnh. Câu trả lời của bạn đã chứng minh rằng bạn có một “Thuyết tâm lý”. Bạn có thể phân biệt được những gì bạn biết với những niềm tin sai lệch, hay sự hiểu lầm mà Simon có.

Tuy nhiên, những trẻ khoảng 3 tuổi thường sẽ trả lời sai câu hỏi. Chúng sẽ trả lời rằng Simon sẽ tìm chiếc bánh trong tủ lạnh, vì đó là nơi cuối cùng chiếc bán được đặt vào. Ở độ tuổi này, trẻ thường gặp khó khăn khi phân biệt giữa những gì chúng biết và những gì người khác biết. Tuy trẻ vẫn có thể nhận thức được rằng con người có suy nghĩ, song trẻ chưa thể nhận ra rằng đôi khi suy nghĩ và niềm tin của người khác sẽ khác với của mình.

Những thay đổi lớn sẽ xuất hiện khi trẻ lên 4. Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể phân biệt được những gì mình biết và những gì người khác biết, và trẻ cũng có thể đoán chắc được rằng hành vi của một người thường phụ thuộc vào những gì người đó nghĩ hoặc biết, kể cả khi kiến thức và niềm tin đó là sai. Quay trở lại câu chuyện, khi trẻ lên 4 tuổi, trẻ sẽ trả lời được rằng Simon sẽ tìm chiếc bánh ở trong tủ, vì đó là nơi mà cậu ấy đã cất nó.

Những chuyên gia tâm lý học về phát triển gọi đây là Lý thuyết tâm lý, bởi vì nó cho thấy rằng trẻ có một tập hợp các khái niệm đựa trên sự hiểu biết về tâm trí. Điều này cũng giống như các “lý thuyết” khác của trẻ trong các lĩnh vực như vật lý và sinh học. Hệ thống nhận thức của trẻ không chỉ đơn thuần là một tập hợp những sự thật mà chúng khám phá được từ thế giới, mà còn là sự phát triển hiểu biết để giúp trẻ đoán được hành vi của một người dựa trên những gì chúng biết về niềm tin và suy nghĩ của người đó – giống như cách mà bạn biết rằng Simon sẽ tìm chiếc bánh trong tủ thay vì tủ lạnh vậy. Tương tự như các lý thuyết mang tính khoa học khác, Lý thuyết tâm lý cũng giúp chúng ta dự đoán hành vi của người khác bằng cách xem xét những suy nghĩ, niềm tin, mong muốn và cảm xúc của người đó.

Lý thuyết tâm lý và Trẻ khiếm thính

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng trẻ khiếm thính thường chậm phát triển Lý thuyết tâm lý hơn đáng kể so với trẻ bình thường. Những nhà điều tra đã đưa ra suy đoán rằng chính sự thiếu hụt về giao tiếp đã dần đến việc trẻ khiếm thính thiếu những thông tin quan trọng về thế giới. Nhưng trên thực tế, trẻ khiếm thính vẫn có thể tiếp cận với việc giao tiếp, và phần lớn trong số đó đều có năng lực xã hội cơ bản, kể cả khi có sự chậm trễ nghiêm trong trong khả năng ngôn ngữ. Vì vậy, trẻ khiếm thính cũng học được một lượng lớn thông tin từ thế giới thông qua các phương thức trực quan.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu về kỹ năng Lý thuyết tâm lý ở trẻ khiếm thính chỉ dựa vào những bài kiểm tra nói để đánh giá khả năng hiểu của trẻ. Điều này khó phản ánh chính xác kết quả, vì có nhiều khả năng rằng trẻ khiếm thính vẫn có những kỹ năng Lý thuyết tâm lý, nhưng lại không có đủ khả năng ngôn ngữ để hiểu được những câu chuyện trong bài kiểm tra.

Vì những lý do khác nhau, trẻ bị tự kỷ cũng có khả năng bị chậm trễ trong việc phát triển Lý thuyết tâm lý. Đối với trẻ khiếm thính, sự chậm trễ này thường đến từ việc thiếu hụt sự tiếp cận với ngôn ngữ, chứ không phải do bất kỳ vấn đề về nhận thức cơ bản nào. Còn đối với trẻ tự kỷ, sự chậm trễ đó là một phần của sự khuyết tật gây ra bởi những khác biệt trong nhận thức của trẻ.

Những kỹ năng ngôn ngữ liên quan như thế nào đến Lý thuyết tâm lý?

Một nghiên cứu gần đây về những kỹ năng Lý thuyết tâm lý ở trẻ khiếm thính đã cố gắng để xác định rằng liệu trẻ khiếm thính có bị chậm trễ ở mức độ như nhau đối với các bài kiểm tra có và không sử dụng ngôn ngữ hay không. Nghiên cứu cũng đã khám phá ra những khía cạnh về sự phát triển của trẻ có liên quan đến hiểu biết về tâm trí. 176 trẻ bị suy giảm thính lực sâu tham gia vào nghiên cứu được chia thành 3 nhóm: 86 trẻ được giáo dục bằng các phương pháp sử dụng ngôn ngữ nói (53 trẻ dùng máy trợ thính, 33 trẻ dùng ốc tai điện tử), 41 trẻ khiếm thính có bố mẹ bình thường, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (ASL) làm hình thức giao tiếp; 48 trẻ khiếm thính có bố mẹ là người khiếm thính, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu từ nhỏ. Khác với hầu hết các nghiên cứu khác, tất cả những trẻ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu đều được kiểm tra bởi những người khiếm thính trưởng thành – những người đã quen với việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, và những phiên dịch viên sẽ không được sử dụng.  Không ngạc nhiên khi những trẻ khiếm thính có bố mẹ cũng bị khiếm thính có thể biểu hiện gần giống với trẻ bình thường, trong khi những trẻ khiếm thính có bố mẹ bình thường cho thấy sự chậm trễ đáng kể trong việc hiểu Lý thuyết tâm lý. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những trẻ bị chậm trễ khi phát triển Lý thuyết tâm lý cũng sẽ bị chậm trễ trong cả những bài kiểm tra về khả năng nói lẫn bài kiểm tra ngôn ngữ tối thiểu. Điều này có nghĩa là, những trẻ này thiếu những hiểu biết cơ bản về cách mà tâm trí hoạt động, cho dù bài kiểm tra có yêu cầu khả năng ngôn ngữ để hiểu nó hay không.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tiết lộ rằng, những kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ khiếm thính có liên quan trực tiếp đến những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý. Tuy nhiên, đó không phải là do những kỹ năng ngôn ngữ nói chung của trẻ, mà là do những kỹ năng về từ vựng và khả năng cụ thể để hiểu những bổ ngữ về cú pháp giúp dự đoán những kỹ năng Lý thuyết tâm lý. Đó là, nếu một đứa trẻ có thể hiểu được những câu như “Cậu ấy nghĩ chiếc bánh được đặt trong tủ.”, nó sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc hiểu và dự đoán những hành vi được dựa trên những quan niệm hay niềm tin sai lệch, giống như cậu bé Simon trong truyện. Những trẻ sở hữu những kỹ năng ngôn ngữ cao cấp hơn sẽ càng dễ dàng vượt qua bài kiểm tra Lý thuyết tâm lý. Điều này có nghĩa là những sự chậm trễ về ngôn ngữ thường được quan sát ở những  trẻ khiếm thính sẽ có liên quan, về mặt nhân quả, đến những khía cạnh chính của sự phát triển nhận thức. Những trẻ chưa hiểu được những cấu trúc ngữ pháp phức tạp như bổ ngữ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu được rằng suy nghĩ và niềm tin của bản thân mình khác với của người khác như thế nào.


Sự chậm phát triển vè Lý thuyết tâm lý sẽ ảnh hưởng sự phát triển của những lĩnh vực khác như thế nào?

Những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý có thể là tiền đề hoặc nền móng cho sự phát triển của một số lĩnh vực khác sau này. Đầu tiên, những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý đóng một vai trò trung tâm đối với khả năng hiểu biết và kể chuyện của trẻ. Bruner đã phân biệt hai khái niệm “bối cảnh của hành động” và “bối cảnh của nhận thức”, cả hai khái niệm đều rất cần thiết cho khả năng thuật lại sự việc. Thực tế rằng sự chậm phát triển những kỹ năng Lý thuyết tâm lý ở trẻ khiếm thính có thể ảnh hưởng đến việc trẻ kém hiểu biết về những câu chuyện và do đó dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát triển kỹ năng đọc. Tuy rằng nhiều trẻ khiếm thính gặp khó khăn đối với ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh, nhưng những vấn đề này không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự chậm trễ trong kỹ năng đọc.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều cuốn truyện dành cho trẻ chuẩn bị đến trường cũng có một lượng nội dung tương đối lớn liên quan đế những mong muốn và niềm tin của các nhân vật. Ví dụ, Cô bé quàng khăn đỏ đã nghĩ rằng chó sói chính là bà ngoại của cô, nhưng đối với người đọc, chúng ta biết rằng chó sói đã định ăn thịt cô bé. Để nâng cao câu chuyện và bối cảnh nhận thức của nó, trẻ phải có khả năng nhìn thấy ý nghĩa đằng sau những hành động và hiểu rằng Cô bé quàng khăn đỏ không biết được sự thật như chúng ta.Nếu không thì câu chuyện chỉ đơn giản là một sự việc và hành động mà ở đó, Cô bé quàng khăn đỏ đi đưa cơm cho bà, và vì một số lý do không thể giải thích, có một con sói lại ở đó. Trong trường hợp này, hầu hết ý nghĩa của câu chuyện đã bị mất đi.

Thứ hai, việc nhận định những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý là quan trọng đối với sự phát triển những kỹ năng tương tác xã hội khác, đặc biệt là những kỹ năng ở trường, là điều hoàn toàn có thể. Astington và Pelletier đã tranh luận rằng có thể có một mối liên kết giữa mức độ phát triển Lý thuyết tâm lý ở trẻ và khả năng học hỏi của chúng bằng chỉ dẫn và sự phối hợp. Họ cho rằng việc hiểu về Lý thuyết tâm lý cũng liên quan đến sự phát triển của tư duy khoa học và tư duy phản biện.

Tóm tại, việc giáo dục đòi hỏi trẻ phải nói chuyện với nhau về những sự hiểu biết và hiểu nhầm, để phản ánh những niềm tin cá nhân của mình cũng như của người khác, và thay đổi quan điểm khi có nhiều bằng chứng chứng minh quan điểm đó là đúng. Tất cả những điều này đều yêu cầu những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý.

Làm thế nào để chúng ta có thể giúp trẻ học những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý?

Có rất nhiều cách mà người lớn có thể tạo điều kiện để trẻ học những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý. Chơi đóng vai và giả vờ là một cách có thể giúp trẻ thoát khỏi thực tế của những đồ vật và vai trò. Để làm điều này, trẻ phải học cách tách biệt nhận thức giữa những gì là thật và những gì là tưởng tượng. Việc kể cho trẻ nghe về những sự việc quá khứ cũng đã được chứng minh là có liên quan đến những kỹ năng về Lý thuyết tâm lý, có thể là bởi vì trẻ cần thảo luận về những sự kiện thiếu vắng ngữ cảnh. Như đã đề cập, thậm chí những quyển sách dành cho trẻ chuẩn bị đến trường cũng chứa rất nhiều thông tin và cơ hội cho trẻ khám phá cách thức hoạt động của tâm trí. Và cuộc sống cũng tự nó đưa ra nhiều tình huống mà mọi người thường quên mất nơi họ đặt một cái gì đó, hay sự hiểu nhầm và châm chọc, tưởng tượng những gì có thể và thảo luận về ý kiến và quan điểm. Việc nói chuyện với trẻ về những điều này có thể giúp trẻ đạt được cả những khả năng về ngôn ngữ và tâm trí cũng như những khái niệm đặt nền móng cho Lý thuyết tâm lý.

Cuối cùng, nghiên cứu về sự phát triển của những kỹ năng Lý thuyết tâm lý với những trẻ bị giới hạn về ngôn ngữ đã cho chúng ta thấy được vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong việc phát triển những kỹ năng xã hội và nhận thức. Trong khi nhiều chuyên gia nhận biết khá rõ về tầm quan trọng của ngôn ngữ trong cuộc sống đối với giao tiếp và học hỏi kiến thức từ thế giới, thì nghiên cứu về Lý thuyết tâm lý lại chỉ ra một khía cạnh khác, ở đó ngôn ngữ cho chúng ta cơ hội để hiểu về cách thức mà tâm trí chúng ta hoạt động.

Trẻ nói về tâm trí

Eve: 2 tuổi 3 tháng
Người lớn: Con có muốn ăn bánh quy không?

Eve: Con muốn ăn bánh quy. Bánh quy khiến con cảm thấy hạnh phúc.

Abe: 2 tuổi 11 tháng
Abe: Con đã sơn lên chúng (nói hai bàn tay).

Người lớn: Tại sao con lại làm vậy?

Abe: Bởi vì con nghĩ tay con là tờ giấy

Adam: 3 tuổi 7 tháng
Adam đang thử nếm keo dán. Adam: Con không thích nó.

Người lớn: Tại sao con lại cho nó vào miệng

Adam: Con đã nghĩ rằng nó ngon.

Abe: 4 tuổi 8 tháng
Abe: Chú có thấy những đám mây không?

Người lớn: Đó là khói từ pháo hoa đấy con

Abe: Chú nghĩ vậy, nhưng con lại nghĩ đó là những đám mây

Theo Bartsch, K., & Henry, H.M. (1995). Children talk about the mind. New York: Nhà xuất bản Đại học Oxford.

 

Những cuốn truyện của trẻ miêu tả các khái niệm về Lý thuyết tâm lý


Gà hầm của sói, bởi Keiko Kasza

Đây là một câu chuyện thú vị về một con chó sói đang thèm ăn một con gà. Sau khi tìm kiếm, lúc đã gần tóm được con gà thì sói lại thay đổi quyết định. Con gà đó quá gầy, và sói quyết định vỗ béo nó. Sói đã bí mật để rất nhiều đồ ăn vào nơi ở của con gà. Cuối cùng, sói quyết định ăn thịt con gà. Khi sói đến, nó nhận ra rằng con gà giờ đây đã là mẹ của nhiều con gà con, và những con gà rất mến sói vì chỗ thức ăn mà sói để lại. Chúng gọi sói là “Chú Sói”. Một lúc sau, khi sói đang đi về nhà, sói thầm nghĩ, rằng mình vẫn sẽ đem đồ ăn đến cho gà, nhưng bây giờ là vì sói và gà đã là bạn của nhau.


Goldilocks và 3 con gấu, nhiều tác giả

Có ba con gấu đang đi dạo. Khi chúng đi rồi, Goldilocks lẻn vào nhà của chúng nhưng chúng không hề hay biết. Một lúc sau, cô bé ngủ thiếp đi trên giường. Khi những con gấu quay trở lại, chúng biết rằng có ai đó đã ở đây. Bằng chứng là một chiếc ghế bị gãy và nồi cháo đã bị ăn bớt. Khi chúng đi lên lầu, chúng nhìn thấy Goldilocks. Sau đó, Goldilocks rời khỏi nhà của những con gấu mà không nói một lời xin lỗi nào.


Cá cầu vồng, bởi Marcus Pfister

Cá cầu vồng tin rằng nó rất đẹp. Tất cả những loài cá khác đều muốn có được một trong những chiếc vảy sáng lóng lánh của nó. Nhưng nó muốn giữ lại tất cả chúng. Vì vậy, những con cá khác không thích nó và không muốn chơi với nó. Sau đó, cá cầu vồng nhận rằng tình bạn là thứ quan trọng hơn cả vẻ đẹp, nên nó đã cho đi tất cả vảy của mình và chỉ để lại một cái. Bây giờ, nó trở nên vui vẻ hơn vì đã có nhiều bạn, và vẫn có thể giữ lại chiếc vảy lóng lánh của mình.


Jack và cây đậu, nhiều tác giả

Jack đã làm mẹ mình thất vọng vì đã làm một vụ trao đổi vô nghĩa. Cậu nghĩ rằng mình đã đổi lấy được một cây đậu thần, nhưng mẹ cậu lại nghĩ nó không đáng đồng nào. Bà ném nó đi. Nhưng Jack đã đúng, và cây đậu bắt đầu lớn nhanh và mọc thẳng lên trời. Jack leo lên cây đậu thần vào tìm thấy lâu đài của người khổng lồ. Jack trộm một vài thứ đồ của gã khổng lồ khi gã đang ngủ. Nhưng đến cuối cùng, gã khổng lồ thức dậy và phát hiện đồ của mình bị mất. Lão bắt đầu đuổi theo Jack. Tuy nhiên Jack đã chạy nhanh hơn.

Tham khảo từ https://leader.pubs.asha.org/doi/10.1044/leader.FTR1.07222002.6

Đặt lịch khám
Đặt lịch khám
Gọi hotline: 090 269 9902
Gọi Hotline: 090 269 9902