Luyện nghe cho trẻ điếc bằng cách tận dụng và huấn luyện các phần thính giác còn sót lại ở trẻ điếc đã được áp dụng từ thế kỷ 17. Bonet (1620) đã mô tả các cách thức luyện nghe cho người điếc như đưa họ đến những thung lũng để ở đó tiếng nói to có độ vang vọng lớn để luyện nghe hay đặt người điếc trong những thùng lớn để họ luyện nghe bằng chính những tiếng nói to của họ được cộng hưởng vang to trong thùng.
Itard cũng đã sử dụng trống chuôngđể huấn luyện nghe cho trẻ điếc.
1897 ở Mỹ, Max Goldstein đã đặt chương trình luyện nghe mỗi ngày 15 phút cho mọi học sinh điếc câm ở trường trẻ em điếc St Joseph ở St Louis.
LUYỆN NGHE CHO TRẺ ĐIẾC
Ngày nay máy trợ thính đã là một công cụ hết sức hiệu quả cho việc khuyếch đại nâng cao sức nghe cho người điếc và đã trở thành một phương tiện hết sức phổ biến nhằm phục vụ cho luyện nghe, đem lại những tiến bộ nhảy vọt. Do yêu cầu về mục đích ( dung để giao tiếp và tư duy) mà việc luyện nghe bao giờ cũng gắn liền với nội dung nghe lời nói, tuy nhiên cũng có khi cần sử dụng trong các bài luyện tập nghe những âm thanh không phải là tiếng nói, nhằm giúp trẻ điếc cấu trúc sự tiếp nhận thính giác của chúng.
Nói chung quá trình luyện nghe cho trẻ điếc nên tiến hành làm 4 giai đoạn:
Trước tiên phải tập cho trẻ nghe.
Tiếp đến , tập cho trẻ phân biệt từng bước các âm thanh nghe được.
Rồi mới chuyển sang tập cho trẻ nghe tiếng nói một cách tổng thể
Cuối cùng là biết phân tích và hiểu được lời nói.
Trình tự hợp lý cần phải luyện cho trẻ biết nhận thức âm thanh trước khi hiểu các cấu trúc quy ước của lời nói.
Trước tiên, trẻ điếc cần được tiếp xúc với âm thanh. Những người làm công tác phục hồi chức năng cho trẻ điếc gọi cái yêu cầu cơ bản đó bằng một từ ngữ khá gợi cảm là “ trẻ cần được tắm trong âm thanh” để nói lên hiện tượng của trẻ điếc “ từ trạng thái im lặng triền miên, nhờ phương tiện trợ thính khuyếch đại tới mức cường độ thích hợp mà ở trẻ bừng lên thế giới âm thanh của cuộc sống hàng ngày trong gia đình, trong vườn trẻ , trong lớp học v.v…”. Đó là khởi đầu của việc huấn luyện tiếp nhận thụ động các âm thanh. Trong giai đoạn này, ta chưa đòi hỏi một sự tham gia chủ động nào của trẻ cả và cũng chưa cần trẻ cho biết có nghe được hay không và đã nhận ra được những tín hiệu âm thanh nào. Chỉ sau một thời gian, dần dần từng bước, ta mới dạy cho trẻ biết phân biệt giữa “ có âm thanh “ và “ không có âm thanh”, mối liên hệ giữa sự vật, cử động, hành động và âm thanh. Khi ở trẻ đã hình thành ý thức biết nghe và chú ý lắng nghe ( sự chú ý thính giác) thì lúc ấy ta mới dạy được cho trẻ biết phân biệt các âm thanh.
Cách dạy cho trẻ phân biệt các âm thanh được tiến hành lúc đầu với các dụng cụ phát ra tiếng hoặc các hiện tượng âm thanh thông thường trong cuộc sống ( tiếng kêu của các súc vật nuôi trong nhà, tiếng xe cộ, âm thanh các nhạc cụ thông thường v.v…). Cần lựa chọn để tập cho trẻ so sánh những tiếng khác biệt dễ nhận ra ở bước đầu rồi dần dần mới yêu cầu trẻ chuyển sang phân biệt các âm thanh phức tạp hơn với những đặc điểm khác nhau về độ cao và âm sắc.
Chỉ sau khi trẻ đạt được một trình độ nhất định về phân biệt bằng thính giác mới chuyển sang dạy cho trẻ biết rằng một số âm thanh là có ý nghĩa. Muốn vậy cần phải kết hợp âm thanh và sự vật. Ví dụ tập cho trẻ nghe tiếng gọi tên của bản thân và các bạn, tập phân biệt tiếng kêu với loại súc vật, tiếng động với các loại xe cộ v.v…Kết hợp sự phân biệt đơn thuần bằng âm thanh với một quan hệ tình cảm , một phân biệt có ý nghĩa; tiếp đến nữa là phân biệt tế nhị hơn như phân biệt giữa giọng nam và giọng nữ; tập cho trẻ biết phân biệt cùng một đồ vật có thể phát ra các âm thanh cao thấp khác nhau; điều này có thể thực hiện trên các nhạc cụ cụ thể giúp cho trẻ ý niệm được về cao độ âm đồng thời về trường độ âm bằng cách đối lập các âm ngắn với các âm dài kết hợp với nhau hay phối hợp với các thay đổi về cao độ âm. Bằng cách đó, trẻ điếc học tập dần để phân biệt được các cấu trúc âm thanh các âm sắc, các cao độ âm, các cường độ âm, các trường độ âm khác nhau; từng bước nhận thức ra được các âm thanh nào là có ý nghĩa và những âm thanh nào là không có ý nghĩa; Tóm lại trẻ điếc lĩnh hội được dần dần các hình thái của âm thanh.
LUYỆN NÓI CHO TRẺ ĐIẾC
Song song với việc luyện nghe cho trẻ điếc , cần huấn luyện cho trẻ nói. Vấn đề đặt ra rất khác nhau tùy theo mức điếc của trẻ. Đối với những trẻ điếc nặng chưa hề có ngôn ngữ thì sự huấn luyện đó gọi là “ giải câm”. Đó là quá trình huấn luyện mà người ta tiến hành trong các viện hay trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ điếc từ 4 đến 7 tuổi. Người huấn luyện trong suốt quá trình cần làm cho trẻ điếc nhận thức được bằng nhiều tiêu chí – các mặt đối lập của các âm vị cùng những phương thức khasc nhau của cấu âm. Cần đưa các âm vị này vào trong các câu nói để luyện tập từng bước cho trẻ phân biệt được những biến đổi của cử động phát âm toàn bộ theo với vị thế cấu âm của các âm vị, âm này so với các âm khác. Kỹ thuật giải câm đòi hỏi người huấn luyện phải có những kiến thức vững vàng về ngữ âm học và âm vị học. Trước tiên phải tập cho trẻ điếc ý thức được từng bước các yếu tố âm thanh nghĩa là các tư thế bắp thịt sử dụng để phát ra các âm thanh. Nếu trẻ còn có những phần thính giác còn sót lại thì việc giám sát một phần bằng tai nghe sẽ giúp cho trẻ được rất nhiều trong việc học tập đó; còn đối với những trẻ thính giác không còn sử dụng được thì việc nhận thức có thể được tiến hành bằng đường xúc giác hay thị giác ( nhờ các máy cho phép chuyển casc tín hiệu âm thanh của lời nói thành hình hay cảm giác rung).
Nếu như việc dạy cấu âm là cực kỳ quan trọng đối với trẻ điếc thì khâu này cũng chưa phải cần được tiến hành trước tiên mà hợp lý hơn là phải tiến hành khâu huấn luyện tâm lý ( khả năng cộng tác, khả năng tập trung chú ý, lòng ham muốn giao tiếp bằng lời nói v.v…) và huấn luyện thính giác ( tiếp xúc với âm thanh, phân biệt âm thanh, nhận dạng âm vị v.v…Tuy nhiên không quá chậm đối với huấn luyện thính giác.
Huấn luyện cấu âm đòi hỏi một quá trình lâu dài về thời gian, đòi hỏi ở người huấn luyện cũng như trẻ điếc hết sức kiên nhẫn và đặc biệt phải uốn sửa luôn; ngay cả khi trẻ đã đạt tới một mức độ giao tiếp hiểu được thì luôn luôn cũng còn phải uốn nắn về các mặt nhịp điệu ( nói nhanh hoặc chậm), giai điệu ( cao độ giọng không thích hợp), âm sắc ( khắc phục âm sắc mũi của giọng) của lời nói.
Trong luyện cấu âm cho trẻ điếc, cần chú ý hai yếu tố :
Tư thế cấu âm, nghĩa là cấu âm đúng.
Sự phát triển của câu nói trong thời gian, nghĩa là giai điệu và nhịp điệu của lời nói nghiêm chỉnh.
Vì nhiều khi, ngay cả khi các âm vị được cấu âm đúng lời nói của trẻ điếc vẫn không thể hiểu được do trẻ nói quá nhanh hay quá chậm hoặc nhấn mạnh bất thường với một giai điệu sai lạc hay mọi biến hỏng khác của toàn bộ âm hưởng câu nói.
Cao độ của giọng nói còn được uốn sửa một cách đúng đắn bằng cách huấn luyện cho trẻ biết nhận thức những thay đổi về cao độ của âm thanh quản, hoặc nhờ một máy tăng âm, hoặc nhờ một khối rung hay bằng các phương pháp phân tích.
Cường độ của phát âm tạo ra những trạng thái của nhịp điệu mà ta cần giúp đỡ trẻ nhận thức bằng kết hợp với tiếp nhận thị giác ( ví dụ sử dụng máy chuyển cường độ song âm thành những nấc sáng khác nhau trên một cột có gắn nhiều bóng đèn).
Cần thiết phải giúp cho trẻ nhận thức được các vị thế đặc trưng cả bằng sử dụng điệu bộ lẫn tiếp nhận âm thanh, để trẻ nắm được cử động thích nghi cho cách phát âm đúng; Tuy nhie6nne6n tránh không cho các vị thế đó tồn tại trong lời nói bình thường. Ví dụ: tập cho trẻ biết xì hơi trong dạy cấu âm “x”, nói chung nên tránh không quá cường điệu các động tác đặc trưng của cấu âm như : không nên có các cử động rung đặc biệt của lưỡi khi dạy cho trẻ phát âm “X”, tôn trọn khoảng thời gian cần phải duy trì như đối với các phụ âm tắc v.v…
Tóm lại: huấn luyện nói cho trẻ điếc nhất thiết phải hết sức kiên nhẫn, hiểu biết trẻ nhận thức từ ngữ mà mình dạy như thế nào? Trẻ phân loại từ ngữ đó ra sao? Sự giúp đỡ mà trẻ cần thiết để cho ngữ nghĩa được hình thành. Tất cả những điều đó đòi hỏi một trình độ cao và đầu tư nhiều suy nghĩ của người huấn luyện. Luyện nói cho trẻ điếc không thể đi chệch phương hướng: nếu như sự tiếp nhận và diễn đạt bằng lời nói là chìa khóa của ngôn ngữ thì chỉ những kết quả về dạy nói cho trẻ mới thực sự giúp cho trẻ điếc trở thành thông minh, có tư duy và mới có thể ngang hang được với những trẻ bình thường
Trích từ “ Bài giảng thính học” – 1989- Viện tai mũi họng – Ủy ban II Hà Lan
(GS. Phạm Kim)
Nếu cần hỗ trợ thêm về việc lựa chọn thiết bị phù hợp, băn khoăn cấy ốc tai điện tử hết bao nhiêu tiền, bố mẹ đừng ngại liên hệ với AB nhé! Đội ngũ các chuyên gia/ chuyên viên thính lực AB luôn sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ giải đáp và đồng hành cùng bố mẹ trên hành trình tìm lại thính lực cho bé.
- Gọi điện: 0902 699 902 (Thứ 2 - Thứ 6 từ 8:00 - 17:00)
- Gửi email: info.vietnam@AdvancedBionics.com
Hoặc bạn cũng có thể cập nhật thông tin tại fanpage https://www.facebook.com/OctaiABVietnam/