; GIÚP TRẺ CẤY ỐC TAI ĐIỆN TỬ HỌC THÔNG QUA VUI CHƠI – Octaidientuab
Menu
GIÚP TRẺ CẤY ỐC TAI ĐIỆN TỬ HỌC THÔNG QUA VUI CHƠI

GIÚP TRẺ CẤY ỐC TAI ĐIỆN TỬ HỌC THÔNG QUA VUI CHƠI

Học hỏi thông qua việc vui chơi

Khi trẻ nhỏ vui chơi, chúng thường học hỏi về bản thân và thế giới xung quanh. Việc vui chơi giúp thúc đẩy sự phát triển về mặt xã hội, ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề và trí tưởng tượng nhất là trẻ cấy ốc tai điện tử. Trong phần này, bạn sẽ tìm thấy những phương pháp thú vị để có thể giúp trẻ khám phá thế giới thông qua việc vui chơi.

Cho dù là thổi bong bóng đến việc chơi với các hình khối, từ thú nhồi bông cho đến các món đồ chơi xếp hình, thì trẻ em đều rất thích học hỏi thông qua việc chơi với chúng. Bằng cách đó, bạn có thể giúp con mình tiếp xúc với ngôn ngữ giống như bao đứa trẻ với khả năng  nghe bình thường khác. Bạn cũng sẽ tìm thấy các phương pháp để mở rộng, đổi mới các hoạt động hằng ngày cho trẻ và hỗ trợ trẻ trong những nỗ lực đầu tiên để khám phá thế giới và trí tưởng tượng của mình.

Chơi chính là học

Trẻ nhỏ thường dành khá nhiều thời gian để khám phá thế giới xung quanh thông qua việc vui chơi. Với người lớn, đó dường như chỉ là hành động chơi đùa bình thường. Tuy nhiên với trẻ, thì đó là khoảng thời gian tốt nhất để học hỏi.

Nếu vậy, thì khi trẻ đang ‘’thì thầm’’ với một món đồ chơi, hay lay chuyển chiếc vòng treo nôi nhiều lần, trẻ sẽ học được điều gì từ việc đó? Đến tháng thứ ba, trẻ sẽ học được cách tạo ra một trò chơi nho nhỏ với việc với và đập chiếc vòng treo đó. Trẻ cũng khám phá được cách kết hợp tay và mắt để có thể với tới món đồ chơi. Qua đó, trẻ sẽ biết rằng mình có thể tạo ra sự chuyển động. Đây là những phát hiện quan trọng giúp kích thích khả năng suy nghĩ của trẻ. Hãy xem qua một vài ví dụ dưới đây…

 

Tuyệt! Khi mình tháo cái này xuống, mình có thể nhai nó và chơi với ngón chân của mình!

Trẻ học được điều gì?

  • Hành trình tìm lại đôi chân! Việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa tay và mắt và kỹ năng giải quyết vấn đề
  • Miệng của trẻ là một trung tâm cảm nhận với rất nhiều dây thần kinh. Miệng giúp trẻ học được nhiều thứ về những gì mà trẻ có thể cho vào đó.
     

Làm thế nào mình có thể lấy tất cả những món đồ chơi trong chiếc xô này? Nếu mình lật lại, mình có thể đổ hết chúng ra không?

Trẻ học được điều gì?

  • Sự phối hợp tay-mắt
  • Kỹ năng suy nghĩ khi trẻ gặp vấn đề mới
  • Hành động sẽ dẫn tới kết quả

Nếu mình trùm chăn quanh người, thì chắc ai đó sẽ chơi trốn tìm với mình!

Trẻ học được điều gì?

  • Cách bắt đầu một trò chơi với người khác
  • Trẻ có thể giao tiếp với người khác
  • Trẻ có thể thay phiên nhau chơi trốn tìm với các thành viên khác
  • Trò chuyện cũng là một trò chơi luân phiên, và trẻ sẽ học cách tham gia các cuộc trò chuyện.
  • Dù trẻ không thấy người đó, nhưng họ có thể vẫn ở đó.

Wow, mình cuối người xuống và nhặt được món đồ chơi này. Khi mình lắc, nó tạo ra tiếng động! Mình có thể làm lại!

Trẻ học được điều gì?

  • Kỹ năng sử dụng cơ bắp
  • Cách giữ thăng bằng
  • Hành động sẽ dẫn tới kết quả
  • Nếu trẻ bắt nhịp và lắng nghe, trẻ có thể nghe thấy âm thanh với máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử

Với mọi trẻ em, việc vui chơi ẩn chứa vô vàn cơ hội để học hỏi.. Riêng với những trẻ bị suy giảm thính lực, gia đình có thể cho trẻ vui chơi để khuyến khích trẻ phát triển 3 yếu tố sau (Nguyên tắc 3L)

  • Ngôn ngữ (Language)
  • Nghe, Nhìn & Giao tiếp (Listening, Looking & Communicating)
  • Khả năng học hỏi (Learning)

Phần tiếp theo sẽ cung cấp một vài thông tin hướng dẫn về 3 yếu tố này.

Vui chơi là một phần trong thời gian biểu hằng ngày của trẻ

Hãy nhìn cuộc sống bằng góc nhìn của trẻ. Với trẻ, mọi thứ đều là một hành trình khám phá những điều mới. Bạn có vai trò là người hướng dẫn, người ghi nhớ và diễn dịch cho trẻ. Bây giờ, bạn cũng sẽ là một ‘’cộng sự” trong những trò chơi của trẻ. Hãy tưởng tượng đến những thứ mà bạn và trẻ có thể kể cho nhau!

Chơi là ăn. Các bậc cha mẹ thường sử dụng những trò chơi, hành động vui nhộn như là một cách để ‘’dụ’’ trẻ ăn. Những lúc như vậy, trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều điều, ví dụ như tiếng kêu của xe hay máy bay (khi cha mẹ bắt chước những âm thanh đó cho trẻ nghe). Khi trẻ đang sử dụng bộ khuếch đại âm thanh, những âm thanh đó thường tự nhiên. Và ý tưởng đi kèm theo những âm thanh đó cũng rất quan trọng. Trẻ sẽ bắt đầu chơi mỗi khi ăn, mặc dù khái niệm về chơi giữa bạn và trẻ chưa chắc đã giống nhau. Trẻ có thể sẽ cảm thấy cảnh một bát mì rơi xuống đất rất thú vị, và cảnh có người dọn dẹp nó càng thú vị hơn nữa. Hãy nhớ rằng bạn là người hướng dẫn và diễn giải cho trẻ. Bạn có thể không thích sử dụng những từ ngữ như “Ah, rơi rồi’’ và “Mẹ sẽ dọn nó” vào lúc đó, nhưng con bạn có thể đang theo dõi, nên hãy tận dụng cơ hội này.

Chơi là giao tiếp. Mỗi sự tương tác giữa cha mẹ và trẻ, từ trò chơi ú òa đến chơi đập tay, từ trò nảy gối đến những bài hát ru, đều đến từ tình yêu và cảm giác vui vẻ khi ở gần nhau. Nếu trẻ đang ra hiệu, hãy cứ thực hiện các trò chơi cho trẻ, và học các dấu hiệu cho thấy những gì sẽ xảy ra: “Con muốn chơi nảy gối không?”, “Cùng chơi đập tay nào.” Trong suốt những trò chơi giao tiếp như vậy, trẻ sẽ dần học được nhiều thứ như đọc khẩu hình môi, chuyển động miệng, các giai điệu và biểu cảm khuôn mặt. Nếu con bạn đang ở độ tuổi sơ sinh hay tập đi, và trẻ đang bắt đầu học ngôn ngữ nói, thì những trò chơi này sẽ hướng sự chú ý của trẻ tới những âm thanh có ý nghĩa. Đây là bước đầu tiên để trẻ có thể học nghe. Ví dụ, khi bạn trùm chăn lên mặt mình, đợi một lúc và bắt đầu gọi “bé ơi, bé ơi…Ú òaa!”. Khi trẻ quen với những trò chơi như vậy, trẻ sẽ bắt đầu để ý khi ai đó gọi tên mình. Một lúc sau đó, trẻ sẽ kéo tấm chăn xuống khi nghe thấy cụm từ ‘’ú òa’’.  Phần thưởng cho trẻ chính là nụ cười của bạn và cơ hội để bé chơi tiếp tục chơi. Những bài hát chơi ngón tay như pat-a-cake thường có giai điệu đặc biệt giúp trẻ có thể nhận ra được sau khi bạn cho trẻ chơi nhiều lần. Sau đó hãy hỏi lại trẻ: “Con có muốn chơi đập tay không?” Đợi một lúc và xem trẻ phản ứng bằng cách bày tỏ sự thích thú hoặc đưa tay ra. Trẻ nhỏ thường cho thấy khả năng nghe hiểu của mình từ khoảng 10-12 tháng tuổi.

Chơi là lúc đi tắm. Lúc đầu, trẻ sẽ thích nghịch với nước. Sau đó đến những món đồ chơi có thể trôi nổi và cuối cùng là những chiếc cốc hoặc chai nước để rót đầy nước vào hoặc đổ chúng ra. Nước chảy vào chảy ra. Chiếc cốc sẽ lúc đầy lúc rỗng. Khi trẻ đổ nước ra, nước sẽ bắn tung tóe. Có rất nhiều khái niệm mà bạn phải giải thích cho trẻ khi trẻ nghịch với nước.  “Con bị ướt rồi. Chiếc cốc rỗng rồi. Nước chảy hết rồi. Đổ đầy nó đi. Đổ nó ra.” Cho dù trẻ đang không đeo máy trợ thính hoặc ốc tai khi tắm, hãy cứ nói chuyện bình thường. Vì lúc tắm bạn và trẻ sẽ ở gần nhau, và đó là khoảng thời gian đặc biệt giữa cha mẹ và con cái . Nếu trẻ đang ra hiệu, trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi xem những cử chỉ, hành động và dấu hiệu mà bạn dùng để giải thích về cảm giác với nước, trò nghịch nước, con vịt cao su…. và sự vui vẻ của bạn trong thời gian đó.

Chơi là ôm. Sự tiếp xúc yêu thương giữa bạn và trẻ cũng quan trọng như những lời lẽ yêu thương. Sự rung động của cơ thể khi bạn đang nói hoặc hát sẽ giúp cải thiện khả năng hiểu của bé về âm thanh, bằng cách bổ sung những gì bé nghe được bằng máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử, hoặc bằng cách cảm nhận giọng nói của bạn.  Sự an toàn trong vòng tay của bạn giúp trẻ cảm thấy tin tưởng khi nhìn ra xung quanh và biết rằng bạn sẽ ở bên cạnh. Trẻ nhỏ rất thích khi ai đó chạm vào mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, mát xa là một công cụ hữu hiệu để giúp bố, mẹ và trẻ làm quen với nhau trong khoảng 3 tháng đầu đời. Ngoài sự dễ chịu, mềm mại khi da tiếp xúc với nhau, chạm là một phương pháp đầy thư giãn và không lời để bạn giao tiếp với trẻ. Chạm cũng là cách để giúp làm dịu căng thẳng cho bạn và trẻ. Anne Krueger từ tạp chí Parenting Magazine chỉ ra rằng trẻ nhỏ sử dụng cử chỉ chạm bên cạnh các giác quan khác để học hỏi về môi trường xung quanh. Những người cha và mẹ bị khiếm thính có con bị khiếm thính thường sử dụng cử chỉ chạm để kết nối và giao tiếp với con mình.


Chơi là cùng đi với nhau. Những hành động như chơi nảy gối, cưỡi trên vai, ngồi trên xe đẩy khi đi mua sắm hay ngồi trên xe hơi giúp trẻ khám phá được nhiều thứ mới mẻ về thế giới xung quanh. Di chuyển từ nơi này sang nơi khác là sự bắt đầu cho việc đặt câu hỏi “Ở đâu?” và “Hãy đi đến…?”. Hãy nghĩ đến tất cả những nơi mà bạn có thể gọi tên. Nếu bạn đang cố khuyến khích bé nghe với những chiếc máy trợ thính mới, hãy sử dụng những trò chơi kiểu “cưỡi ngựa”. Dưới đây là một số ví dụ

Trẻ nhỏ thích thay đổi hành động dựa theo những giai điệu này. Trẻ sẽ đoán được khi bị “ngã ra sau” và lắng nghe sự thay đổi cao độ ở phần sau. Bạn có thể ngập ngừng một lúc trước khi thực hiện dòng cuối cùng và hành động cuối cùng để giúp trẻ dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Cưỡi ngựa” có thể giúp kích thích khả năng nghe của trẻ. Bạn có thể chuẩn bị sẵn tư thế và chờ đợi trong giây lát. Sau đó hãy nói với trẻ “Đi nào!”. Hãy cố gắng tạo ra những âm thanh vui nhộn như tiếng ngựa hay “wheee”. Khi hành động dừng lại, hãy ngưng âm thanh. Trẻ sẽ bắt đầu chú ý khi âm thanh bắt đầu và dừng lại. Trẻ sẽ để ý rằng cuộc vui sẽ bắt đầu khi âm thanh phát ra.

Những trò chơi chuyển động có thể được thực hiện kèm với những âm thanh hay nhạc để có thể mang đến cho trẻ nhiều cơ hội học nghe trong suốt quá trình vui chơi.

Chơi là xem và giúp đỡ. Mẹ đang rửa chén. Bố đang lau nhà. Chị đang cất đồ. Khoảng cách giữa việc đứng xem một hoạt động thú vị như vậy và ý muốn giúp đỡ là rất nhỏ. Ngay sau đó, từ một đứa bé chỉ đứng xem, trẻ sẽ bắt đầu học cách làm theo như đưa một cái tuốc nơ vít nhựa vào bản lề, quét nhà với một cây chổi tí hon, thả lượng thức ăn cho cá đã được đong cẩn thận xuống bể cá dưới sự giám sát, và xếp giấy bỏ vào tủ. Tất cả những đồ vật và hành động đó đều có tên và số lượng. Ví dụ, “Sàn nhà bẩn quá.”, “Bản lề bị hỏng.”, “Quần áo thì sạch.”, “Bố đang lau xe.”, “Hãy cho cá ăn nào.” Tất cả các câu nói đó đều đến từ việc nhìn các thành viên trong gia đình làm việc. Hãy đảm bảo rằng bạn nói với trẻ về những gì mình đang làm, và trẻ sẽ bắt đầu lựa chọn ngôn từ cho những ý tưởng thú vị này.

Chơi là bò và khám phá. Khi trẻ có thể tự di chuyển độc lập, việc vui chơi trở thành một hành trình khám phá mọi thứ trong tầm với của trẻ. Công việc của bạn là vào vai người chơi cùng trẻ hoặc vai cảnh sát để theo dõi trẻ.

Chơi là khi chuẩn bị đi ngủ. Lúc đi ngủ là khoảng thời gian để độc cho trẻ những câu chuyện hoặc hát những bài hát ru với những giai điệu quen thuộc. Cho dù trẻ không thể nghe được bài hát ru, thì trẻ vẫn sẽ cảm thấy thích thú với chuyển động và sự rung động. Lúc đi ngủ là lúc trẻ sẽ đòi một con thú nhồi công và cười khúc khích khi nó bay đến cù lắc và âu yếm. Lúc đi ngủ cũng là lúc nghe những câu hát nho nhỏ và ra hiệu cho một người bạn đặc biệt ở trong cũi sau khi đèn đã tắt và bố cha mẹ đã đi khỏi. Trước khi có bất cứ một từ nào liên quan đến lúc đi ngủ, thì những thói quen tạo sự dễ chịu cho trẻ như vậy sẽ khích thích trẻ xây dựng và phát triển từ ngữ của riêng mình. Ngôn ngữ của những giới hạn, cũng như ngôn ngữ khám phá đều quan trọng. “Không. Đừng động vào.” là một phần của sự học hỏi, nhưng chừng đó là không đủ. Bạn sẽ phải tìm cách để trẻ có thể nhìn vào ngôn ngữ của bạn, khi mục tiêu trở nên thú vị hơn và ý tưởng từ bỏ trở nên khó chịu. Vậy nên, bây giờ là thời gian để bạn học về ngôn ngữ của sự sao nhãng: “Nhìn kìa!” “Đây là một cái mới!” “Hãy chơi với cái này”. Việc chuyển sự chú ý của trẻ đến một ý tưởng hoặc trò chơi mới có thể giúp trẻ quên đi cái núm xoay của TV hay bụi bẩn (ít nhất là cho đến lần tiếp theo nó gây sự chú ý cho trẻ).

Mọi thứ đều có thể là đồ chơi

Mặc dù trẻ nhỏ thường không chơi với nhau ở độ tuổi quá sớm, chúng thường sẽ xem các đứa trẻ lớn hơn chơi với đồ chơi. Đồ chơi là thứ gì? Đó là thứ mà hay chơi cùng.

 

Đồ chơi là đồ chơi. Khi trẻ bước vào tuổi đầu tiên, những món đồ chơi phù hợp thường thay đổi mỗi tháng. Từ đồ treo nôi đến những cái chìa khóa đến những chiếc cốc xếp chồng lên nhau hay sắp xếp những đồ hộp, trẻ sẽ ngày càng muốn trải nghiệm những thử thách mới.

Những đồ gia dụng an toàn là đồ chơi. Những cái nắp nhựa lớn hoặc những chai nước được rửa sạch vẫn có thể trở thành đồ chơi như những món đồ chơi bình thường được bán trên thị trường.

Nước là đồ chơi. Ở bên ngoài, trong hồ bơi (với bạn ngay tại đó), nước là một thứ thú vị với trẻ ngay từ những độ tuổi rất sớm.

Cỏ, đá và lá cây là đồ chơi. Khi bạn và trẻ đi ra ngoài, trẻ có thể thấy nhiều vật mới và thú vị. Bạn có thể chọn và nhặt một vật bất kỳ và đưa nó lại gần trẻ hơn, hoặc đơn giản là chỉ tay vào nó, nhưng một ngày kia, những chiếc que nhỏ có thể biến thành những con ngựa, và những tảng đá có thể trở thành những ngôi nhà nhỏ trên đồi khi trẻ lớn lên và bắt đầu sử dụng trí tưởng tượng của mình.

Quần áo là đồ chơi. Không có gì thú vị bằng việc khi bạn kéo cổ áo ra khỏi đầu trẻ và nói, “Con đâu rồi? À con đây rồi!”. Tay, chân và cả cơ thể biến mất và lại hiện ra khi mặc và cởi quần áo, và mọi người đều biết rằng giày được thiết kế để có thể cởi ra. Đây có thể là lúc để tìm hiểu về quần áo và các bộ phận cơ thể. Khi con bạn lớn lên, quần áo sẽ trở thành những món đồ chơi hấp dẫn cho việc ăn mặc và tạo dựng niềm tin.

Trẻ vốn đã nhận được những điều đặc biệt từ việc vui chơi

Khi trẻ vui chơi, trẻ đang sử dụng mọi giác quan của mình để học hỏi, thậm chí là trước cả khi bạn bắt đầu nói chuyện với trẻ. Những hoạt động vui chơi sớm của trẻ có thể là cảm nhận kết cấu của chiếc chăn, những tờ giấy mịn hay những tấm thảm gồ ghề. Đó cũng có thể là khi trẻ nhìn vào các cạnh, màu sắc sáng sủa, các đường sọc và chuyển động. Đó là khi trẻ trở nên nhận thức được những âm thanh khác nhau cũng như nguồn phát ra chúng.

Trẻ sẽ cố gắng giao tiếp trong suốt cuộc vui chơi, bởi vì bạn là “món đồ chơi” yêu thích của trẻ. Biểu cảm khuôn mặt và hành động cũng như giọng nói và dấu hiệu của bạn sẽ nói cho trẻ rằng “Cái này vui lắm! Cái này thú vị lắm! Con nghĩ gì nào?” Và, biểu cảm và hành động của trẻ cũng sẽ nói cho bạn biết những điều tương tự.

Việc vui chơi sớm cung cấp nhiều cơ sở để hình thành cảm xúc cho trẻ. Khi quả bóng lăn ra ngoài tầm với của trẻ, hoặc khi cái vòng treo nôi ngừng quay, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng, và sau đó là an tâm trở lại khi bạn đem trái bóng về hay làm cho chiếc vòng treo nôi quay. Khi có một món đồ chơi thú vị, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng. Khi nó bị giấu đi, trẻ sẽ cảm thấy tò mò. Đây là lúc phù hợp để nói cho trẻ biết về những cảm xúc đó. (“Ồ, con đang tò mò kìa. Xoay chiếc vòng treo nôi. Khiến nó di chuyển đi.” Hoặc “Con không thể tìm thấy quả bóng. Con đang buồn. Mẹ sẽ giúp con.”) Những cảm xúc đến một cách tự nhiên khi trẻ đang vui chơi, và khi trẻ lớn hơn, những cảm xúc đó sẽ được phản ánh trong trẻ chơi với búp bê, động vật, hoặc các nhân vật đồ chơi cùng với những từ ngữ liên kết với chúng. Sau này, việc thấu hiểu cảm xúc của những người khác sẽ đến một phần từ những cơ hội khi trẻ chơi đóng vai và chơi với đồ chơi hoặc với những đứa trẻ khác.

Vui chơi là nền tảng của kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu một khối hình tròn không lọt qua một cái lỗ hình vuông, trẻ sẽ học cách thử cái lỗ khác, sau đó là khớp các hình dạng trước khi thử, và cuối cùng là gọi tên hình dạng mà trẻ cần. Nếu một món đồ chơi biến mất, trẻ sẽ học cách đi tìm nó, như di chuyển những cái hộp hay túi giấy mà món đồ có thể được giấu bên dưới, hoặc hỏi nó từ bạn. Sau này, khi trẻ bắt đầu chơi chung với những đứa trẻ khác và nảy sinh mâu thuẫn, trẻ sẽ tự học cách làm hòa với nhau.

Vui chơi cũng là khởi đầu của sự sáng tạo. Mặc dù bây giờ, trẻ dường như chỉ có thể sử dụng món đồ chơi cho một mục đích duy nhất như cho nó vào miệng, sau này sẽ là xây nhà cho búp bê, chơi với bột, bộ đồ chơi xây dựng... Khi một chú heo nhồi bông phát ra tiếng keo khịt khịt, hay một chú chó nhồi bông “sủa”, lúc đó trẻ sẽ khám phá được những khả năng thú vị từ việc đóng vai.

Và quan trọng hơn hết, vui chơi đem lại cho bé những trải nghiệm tuyệt vời. Những trải nghiệm vào những năm đầu đời, đặc biệt là những cảm xúc thú vị, hứng khởi, hay những trò chơi mang lại cảm giác nhẹ nhàng, sẽ cho trẻ nhiều thứ để nói hay ra hiệu. Ngôn ngữ mà trẻ học được khi vui chơi, sau này sẽ trở thành ngôn ngữ của trẻ trong gia đình, trong cộng đồng và trường học.

Vui chơi có kế hoạch có thể làm phong phú thêm cho sự phát triển của trẻ

Mặc dù trẻ nhỏ thường dành nhiều thời gian để tự chơi một mình, thỉnh thoảng bạn vẫn có thể lên kế hoạch cho việc vui chơi của trẻ. Nếu bạn chọn những hoạt động và đồ chơi phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của trẻ, bạn có thể tạo ra một khoảng thời gian vui chơi đặc biệt giúp kích thích sự phát triển giao tiếp và khả năng suy nghĩ của trẻ.

Có rất nhiều cuốn sách có thể cho bạn những ý tưởng về những gì trẻ có thể làm ở những độ tuổi khác nhau, bao gồm những điều sau đây

  • Năm đầu đời của trẻ qua từng tháng (Your baby’s First Year Month by Month), viết bởi Alison Mackonochie, là một cuốn sách thú vị với sự kết hợp giữa nhiều thông tin và hình ảnh với nhau
  • Trò chơi cho trẻ: Hướng dẫn cho trẻ từ mới sinh đến 3 tuổi, viết bởi Elaine Martin, là một cuốn sách viết về cách tổ chức các trò chơi và đồ chơi theo từng loại phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Dĩ nhiên, hầu hết những cuốn sách được viết cho trẻ nhỏ với khả năng nghe bình thường. Nhưng bạn vẫn có thể sử dụng những thông tin cho nhu cầu riêng của bạn và của trẻ bằng cách chỉ làm theo một số bước thực tiễn dưới đây:

  • Nghĩ về những từ ngữ bình thường có thể đi kèm với các trò chơi. Những cuốn sách thường có nội dung này.
  • Tạo ra nhiều từ ngữ như vậy nhất có thể. Sử dụng gương mặt và cơ thể, nói chuyện một cách tự nhiên và gần gũi với trẻ, tìm hiểu những dấu hiệu, cố gắng chọn những môi trường yên tĩnh và đảm bảo rằng pin của máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử vẫn hoạt động tốt. Sử dụng ngôn ngữ khi bạn đang chơi với trẻ, và hãy cho trẻ cơ hội để làm điều tương tự. Cố gắng động viên trẻ nhưng đừng tỏ ra quá đòi hỏi ở trẻ.
  • Chỉ nên chọn một ít đồ chơi một lần cho những giờ chơi đặc biệt và thay đổi chúng thường xuyên để không gây nhàm chán cho trẻ.
  • Lựa chọn những trải nghiệm và thời gian mà trong đó, những trò chơi đóng góp một phần hoàn toàn tự nhiên.
  •  Lặp lại các trò chơi nhiều lần, vì trẻ thích như thế.
  • Đa dạng hóa các trò chơi bằng cách thay đổi trải nghiệm cho trẻ hoặc bổ sung một thứ gì đó mới lạ vào trò chơi.

Việc lập kế hoạch sẽ giúp trẻ có những cơ hội tuyệt vời để học hỏi thông qua việc vui chơi

 

Cuộc vui chơi sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên

Trẻ thường trải qua những thay đổi trong lúc chơi. Khi con bạn còn rất nhỏ, các món đồ chơi hay đồ vật là những thứ để chạm, nếm, nắm hoặc giữ. Đến khi được 3 tháng tuổi, trẻ sẽ nhận ra món đồ chơi yêu thích và sẽ bắt đầu với lấy chúng. Và không lâu sau, những món đồ chơi gồm các thành phần có thể di chuyển hoặc uốn cong hoặc gây tiếng ồn trở nên hấp dẫn với trẻ. Đến khi được 8 tháng tuổi, trẻ sẽ chơi với đồ chơi theo những cách đặc biệt: kéo, xếp và đẩy chúng qua lại chỗ bạn. Trước khi trẻ được 1 tuổi, việc phân loại đồ chơi có các lỗ có hình dạng khác nhau, các món đồ chơi đánh đố và các quả bóng lăn đều trông rất thú vị đối với trẻ. Chẳng mấy chốc, những món đồ chơi sẽ giống như đồ vật thật, ví dụ như bộ dụng cụ bác sĩ đồ chơi, bàn, ghế, chén, đĩa bằng nhựa và sẽ giúp trẻ bắt chước những hành động mà trẻ thấy ngoài đời thật. Chẳng bao lâu nữa, khi trẻ chập chững biết đi, trẻ sẽ tạo nên chuỗi các hành động khác nhau như: xây nhà, chăm sóc búp bê, nấu ăn hoặc trồng vườn. Sau này, khi những trẻ bắt đầu chơi cùng nhau, ngôn ngữ khi chơi sẽ rất quan trọng. Trẻ em nói với nhau những gì chúng đang làm và những vai trò chúng sẽ đóng trong thế giới mà chúng sáng tạo ra. Ở giai đoạn đầu của sự phát triển này, bạn nên hỗ trợ và cung cấp cho trẻ những từ ngữ mà chúng sẽ cần sau này.

Khi trẻ có thể ngồi dậy, trẻ sẽ có cả một thế giới để nghe, nhìn và chú ý. Khi trẻ chú ý tới một thứ gì đó thú vị mà trẻ thấy, hãy nói cho trẻ về đồ vật đó. Lấy ví dụ trường hợp trẻ nhìn bạn khi nghe thấy một âm thanh nào đó. Có thể lúc đó trẻ chưa biết đó là âm thanh gì hay nó phát ra từ đâu. Nên hãy nói với trẻ rằng “Con nghe thấy không? Đó là tiếng chuông điện thoại đó. Hãy cùng xem đó là ai nào.”
Khi trẻ có thể đứng, trẻ sẽ có thể sử dụng hai tay và với tới nhiều thứ. Và mỗi thứ đó đều có tên gọi. Vì vậy hãy nói hoặc ra hiệu về tên của những đồ vật mà trẻ với được. Những người mẹ khiếm thính thường dùng ký hiệu để gây chú ý với trẻ bằng cách ra hiệu ngay trên món đồ chơi.
Khi trẻ có thể đi lại, trẻ sẽ có thể khám phá nhiều nơi mới và học được nhiều từ ngữ mới. Khi đó, trẻ sẽ rất hứng thú với việc đi lại. Hãy nói cho trẻ biết trẻ đang làm gì và trẻ đang đi đâu. Bạn cũng có thể chỉ cho trẻ biết khi trẻ bị ngã.
Bạn sẽ có rất nhiều chủ đề khác nhau để nói chuyện với trẻ, nhưng nguyên tắc của sự học hỏi thông qua việc vui chơi vẫn là ngôn ngữ phải khớp với bối cảnh của cuộc chơi. Hãy giữ những các cuộc nói chuyện nhưng cần đảm bảo thay phiên lượt nói với nhau.

( Theo https://www.aussiedeafkids.org.au/learning-through-play.html)

Đặt lịch khám
Đặt lịch khám
Gọi hotline: 090 269 9902
Gọi Hotline: 090 269 9902