Những giai điệu của âm nhạc sẽ rất khác đối với người dùng cấy ốc tai điện tử. Và các nhà nghiên cứu đã và đang tìm cách để cải thiện trải nghiệm này.
Ray Goldsworthy bị mất thính lực khi cậu lên 12 tuổi. Căn bệnh viêm màng não đã gây nên một vết sưng trong hệ thần kinh trung ương của cậu, và làm tổn thương vĩnh viễn các tế bào thần kinh thính giác trong ốc tai – bộ phận phụ trách chuyển sóng âm thành các tín hiệu để gửi về não bộ. Một năm sau, Goldsworthy trở thành một trong những trẻ đầu tiên nhận được bộ cấy ốc tai điện tử trong một chương trình thử nghiệm lâm sàng năm 1987. Nhờ đó cậu đã có thể nghe lại được, nhưng thính giác của cậu đã không còn như trước.
Có rất nhiều thứ mà bệnh nhân cần phải học cách làm quen sau khi cấy ốc tai điện tử. Các bộ phận của ốc tai điện tử bao gồm một hoặc nhiều microphone gắn ngoài, một bộ xử lý âm thanh và một dãy điện cực có tác dụng kích thích các dây thần kinh trong ốc tai dựa theo thuật toán toán của bộ xử lý. Việc nghe hiểu các cuộc nói chuyện trong một môi trường nhiều tiếng ồn có thể rất khó khăn, thậm chí là với những người đã sử dụng bộ cấy ốc tai điện tử lâu năm. Và âm nhạc có thể nghe rất lạ và đôi khi sẽ giống tiếng ồn hơn những gì mà người bình thường nghe được. Ví dụ dễ hình dung nhất là nó giống như việc nghe một người đeo găng tay bóng chày chơi đàn piano vậy, hoặc là âm thanh nghe được khi bạn đang ở dưới nước hoặc trong một đường hầm, theo Goldsworthy, bây giờ đã là một nhà nghiên cứu tại Trường Y Keck của Đại học Nam California: rất khó để người dùng cấy ốc tai điện tử phân biệt các nhạc cụ riêng lẻ, và nghe được lời của bài hát. “Mọi thứ sẽ giống như bị mờ hoặc nhòe đi một ít.”
Trước khi bị mất thính lực, Goldsworthy rất thích chơi trống. Và anh không có ý định từ bỏ nó chỉ bởi vì bộ cấy ốc tai điện tử khiến âm thanh trở nên rất khác đối với anh. Nhưng những bài nhạc rock mà Goldsworthy thích thường bao gồm âm thanh của rất nhiều nhạc cụ mà bộ cấy ốc tai điện tử không thể mô tả lại chính xác để não của anh có thể hiểu được. “Nó không giống âm thanh mà tôi đã từng nghe”, anh nói. Vì vậy, rất nhanh sau khi nhận được bộ cấy ốc tai điện tử, Goldsworthy đã bắt đầu thử những bản nhạc solo, thường là các bài nhạc jazz. Sau đó anh thử những bản song ca. “Dần dần tôi có thể nghe được những âm thanh phức tạp hơn như những bản nhạc rock n roll hoặc những bản jazz với nhiều nhạc cụ khác nhau”, anh nói.
Goldsworthy đánh giá rất cao những cải tiến về công nghệ sau từng năm – hầu hết là thay đổi về thuật toán để chuyển dịch âm thanh thành các tín hiệu kích thích ốc tai – “nhưng tôi nghĩ một yếu tố khác cũng quan trọng không kém là những kinh nghiệm mà tôi có được trong quá trình tập nghe lại những bản nhạc”, anh nói. “Bạn có thể bắt đầu học lại để có thể lại thưởng thức âm nhạc, nhưng đó phải là một quá trình chủ động.”
Những trải nghiệm cá nhân của mình đã thôi thúc Goldsworthy nghiên cứu về ốc tai điện tử như một nhà khoa học, và anh ấy luôn tìm cách để cải thiện khả năng của bộ cấy ốc tai mà mình đang đeo. Anh thường tải lên những bản phần mềm mới cho bộ ấy ốc tai điện tử, thứ mà anh nghĩ sẽ giúp ích cho thính lực của mình. “Khi làm vậy, tôi phải bắt đầu học lại từ đầu”, anh nói. Bây giờ Goldsworthy đang làm việc với phần mềm giúp truyền tải thông tin tốt hơn về tốc độ kích thích của bộ cấy, hơn là chỉ đơn giản cải thiện tốc độ truyền đi của các xung điện do điện cực phát ra. “Vị trí của dây thần kinh đang được kích thích là một gợi ý, nhưng bên cạnh đó tốc độ mà bạn kích thích nó cũng quan trọng không kém”, anh nói – “đây là thứ mà những bộ cấy ốc tai hiện giờ chưa thực hiện tốt.”
Goldsworthy cũng muốn tìm hiểu cách mà khả năng nghe được các giai điệu âm nhạc của bệnh nhân ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu lời nói trong các tình huống thông thường. Trong năm 2015, Goldsworthy đã so sánh các cao độ và đơn âm mà một người dùng cấy ốc tai có thể lĩnh hội được và nhận ra rằng phép đo trên có mối tương quan tích cực với nhau. “Những người có thể nghe hiểu lời nói trong tiếng ồn tốt hơn thường sẽ nghe được những cao độ tốt hơn,” anh nói.
Mối liên hệ chính thức giữa âm nhạc và khả năng lĩnh hội lời nói vẫn còn khá mơ hồ, tuy nhiên, Joe Crew, một nhân viên của Advanced Bionics, đã nghi ngờ rằng mối tương quan đó chỉ đơn giản phản ánh khả năng xử lý âm thanh nói chung, ví dụ như sự tập trung, mệt mỏi hay khả năng ghi nhớ. “Mối liên hệ giữa lời nói và âm nhạc là khá mong manh một khi bạn phân biệt rạch ròi từng nhân tố.” anh ta nói. Mặc dù vậy, Goldsworthy nghĩ rằng điều đó vẫn đáng để thử. Hiện nay, Goldsworthy có một đội ngũ đang làm việc để giúp những người dùng cấy ốc tai điện tử nghe được âm nhạc tốt hơn, với hy vọng rằng điều đó sẽ giúp họ nghe hiểu lời nói tốt hơn.
Waildo Nogueira đến tử Đại học Y Hannover của Đức nghĩ rằng giả thuyết này thực sự sẽ trở nên phổ biến đối với những người dùng cấy ốc tai điện tử. “Có vẻ như ngày càng có nhiều bằng chứng cho giả thuyết - mặc dù nó chưa hoàn toàn được chấp nhận bởi cộng đồng nghiên cứu – rằng một nhạc sĩ, hoặc một người được đào tạo về âm nhạc sẽ có lợi thế trong việc nghe hiểu lời nói ở những môi trường phức tạp”, anh nói. “Điều này ám chỉ rằng việc đào tạo âm nhạc có thể giúp những người dùng cấy ốc tai điện tử có được khả năng nghe hiểu lời trong tiếng ồn tốt hơn.”
Nhưng điều đó không hoàn toàn chỉ nói về khả năng lĩnh hội lời nói. Cải thiện trải nghiệm âm nhạc của người dùng cấy ốc tai điện tử cũng là một mục đích quan trọng khác. Nếu âm nhạc có thể nghe dễ chịu và thoải mái hơn với họ, nó sẽ khiến giả thuyết trở nên hiệu quả hơn.
Một phương pháp để khiến âm nhạc nghe dễ chịu hơn đối với những người dùng cấy ốc tai là phối lại nó – về cơ bản, chính là tách riêng từng phần của một bài nhạc ra rồi soạn chúng lại theo một cách đơn giản và dễ tiếp thu hơn. Wim Buyens đến từ Trung tâm Công nghệ Ốc tai (Cochlear Technology Center) Thụy Điển đã phát hiện ra rằng, việc tăng âm lượng của lời bài hát, đồng thời giảm âm lượng của các nhạc cụ đi trong một bài nhạc pop sẽ khiến những người dùng cấy ốc tai nghe được bài nhạc đó tốt hơn.
Trong khi đó, Nogueira cũng bắt đầu cho ra mắt những buổi hòa nhạc dành riêng cho người dùng cấy ốc tai điện tử. Anh và các cộng sự của mình trong Nhóm Auditory Prosthetic (tạm dịch: nhóm tai giả) tại Trung tâm thính lực Đức của trường Đại học đã tổ chức các buổi gặp mặt giữa các nhà soạn nhạc và người dùng cấy ốc tai – những người đã chia sẻ về công nghệ mà họ đang đeo và trải nghiệm của họ với âm nhạc. Các nhạc sĩ sau đó đã soạn ra một số bản nhạc electro-acoustic dựa trên những gì mà họ học được và dựa trên chính những bệnh nhân cấy ốc tai. “Chúng tôi muốn tạo ra một bản nhạc mà có thể được lĩnh hội như nhau giữa những người dùng ốc tai và người bình thường”, Nogueira nói.