; ĐỪNG TÌM CÁCH "ĐÓNG CỬA" KHI BỊ GIẢM THÍNH LỰC – Octaidientuab
Menu
ĐỪNG TÌM CÁCH

ĐỪNG TÌM CÁCH "ĐÓNG CỬA" KHI BỊ GIẢM THÍNH LỰC

Với người bị giảm thính lực thì thế giới trở nên rất tĩnh lặng, mọi giao tiếp thường ngày biến thành những lời thì thầm. Một khi khó nghe, bạn không thể đối thoại với ai, khả năng liên hệ với thế giới xung quanh bị hạn chế hẳn. Do vậy, phát hiện và chữa trị bệnh giảm thính lực sớm sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều.

▶️NHỮNG TRIỆU CHỨNG ĐÁNG NGẠI
Tùy nguyên nhân mà giảm thính lực sẽ khởi đầu bằng 1 hay vài triệu chứng sau:
- Đau ở 1 hay cả 2 bên tai.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Ù tai.
- Cảm giác đầy tai 1 hay cả 2 bên.
Người giảm thính lực thường tìm cách “đóng cửa” với xã hội do họ cảm thấy rất bối rối khi cứ phải yêu cầu người khác nói đi nói lại. Họ cũng luôn đối mặt với nỗi lo hiểu nhầm hoặc trả lời sai những gì người khác yêu cầu.

▶️PHÂN ĐỘ GIẢM THÍNH LỰC
Đo “thính lực đồ” sẽ xác định được giảm thính lực ở mức độ nào:
Bình thường chúng ta nghe được âm thanh có cường độ từ 0 - 25 dB(decibel).
Nghe kém mức độ nhẹ: 26 - 40 dB.
Nghe kém mức độ trung : 41 - 70 dB.
Nghe kém mức độ nặng: 71 - 90 dB.
Nghe kém mức độ sâu: > 91

▶️CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY RA GIẢM THÍNH LỰC THƯỜNG GẶP
Bình thường, vành tai như một cái loa hứng âm thanh đi vào ống tai, làm rung động màng nhĩ cùng chuỗi xương con ở tai giữa. Các sóng âm sau đó lan truyền vào ốc tai của tai trong (đây là một hệ thống ống cuộn lại như con ốc và chứa đầy nội dịch). Sóng âm lay động nội dịch ốc tai sẽ kích hoạt chuyển động hàng ngàn tế bào lông chuyển để biến sóng âm thành các tín hiệu thần kinh và đưa về não, não sẽ xử lý để chúng ta nhận thức được âm thanh đầy đủ về cường độ lẫn ý nghĩa. Và như vậy, bất kỳ nguyên nhân nào gây ảnh hưởng đến bất kỳ khâu nào trong quá trình trên đây sẽ gây hậu quả giảm thính lực. Các nguyên nhân đó có thể là:
- Tuổi tác
- Tiếng ồn
- Viêm tai giữa
- Rách, thủng màng nhĩ
- Cholesteatoma
- Một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, giang mai, viêm màng não... có thể gây điếc do biến chứng thần kinh.
- Bệnh Meniere
- U bướu
- Dị vật tai
- Dị tật tai
- Chấn thương 
- Điếc do thuốc
- Di truyền 
- Rối loạn tự miễn

▶️ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc tối thượng: ngay khi phát hiện các dấu hiệu ù tai, cảm giác đầy tai, nghe kém... thì phải đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt! Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây giảm thính lực và đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp. Hình thức điều trị có thể là dùng thuốc uống, thuốc tiêm truyền, nằm buồng oxy cao áp, phẫu thuật, hoặc có thể chỉ đơn giản là thay đổi lối sống hoặc ngưng sử dụng một loại thuốc nào đó...
Mặc dù không phải lúc nào việc điều trị điếc cũng thành công, trong trường hợp này, sử dụng máy trợ thính là biện pháp kịp thời và giữ lại sức nghe một cách hiệu quả nhất.
Nhà phát minh khoa học lỗi lạc Thomas Alva Edison (1847-1931) bị điếc nặng từ lúc 12 tuổi. Sinh thời, ông từng nói: “Tôi hài lòng với chứng điếc của mình vì nó giúp tôi không bị phân tâm bởi những âm thanh đời thường, do vậy tôi dễ dàng tập trung tối đa sự chú ý vào thế giới nghiên cứu của riêng mình”. Thế nhưng, tuyệt đại đa số chúng ta thì đơn giản là... không vĩ đại như Edison và đều thích tán gẫu với người thân, thích nghe nhạc, thích nghe chim hót... nên cũng không thể nào “hài lòng với chứng điếc” như Edison!

Nguồn: BS. Phan Quốc Bảo
Theo Sức khỏe & Đời sống

Đặt lịch khám
Đặt lịch khám
Gọi hotline: 090 269 9902
Gọi Hotline: 090 269 9902